Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp
05/11/2019 - 10:56 AM - 738 lượt xem

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định 598/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025.

Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 đã ban hành Nghị quyết số 24/2016/QH14 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, trong đó xác định nhiệm vụ cơ cấu lại thực chất ngành công nghiệp. Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch cơ cấu lại ngành công nghiệp giai đoạn 2018 - 2020, xét đến năm 2025.

Mục tiêu giai đoạn đến 2020 tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP đạt từ 30 - 35%, tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP; tỉ trọng hàng chế biến chế tạo trong tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 85 - 90%; lao động trong công nghiệp và xây dựng chiếm 25 - 30%; tốc độ tăng trưởng đầu tư và số lượng doanh nghiệp trong công nghiệp cao hơn tốc tăng trưởng bình quân toàn xã hội.

Tốc độ tăng năng suất lao động trong ngành công nghiệp bình quân hàng năm cao hơn 5,5%; thu hẹp khoảng cách các chỉ số về năng lực cạnh tranh công nghiệp so với các nước ASEAN-4; tỉ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và của khu vực tư nhân năm sau cao hơn so với năm trước về số lượng doanh nghiệp, số lao động và doanh thu; tăng trưởng giá trị gia tăng của công nghiệp chế biến chế tạo (MVA) bình quân đạt từ 8 - 10%.

Giai đoạn đến 2025 tỉ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP được duy trì ở mức trên 35%, tỉ trọng hàng chế biến, chế tạo trong xuất khẩu được duy trì ở mức trên 85%; tỉ trọng lao động, doanh nghiệp và đầu tư trong công nghiệp cao hơn so với giai đoạn 2015 - 2020.

Thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh công nghiệp với các nước ASEAN-4, đặc biệt về các chỉ số liên quan đến MVA; năng suất trong ngành công nghiệp tăng bình quân từ 6 - 7%; tỉ trọng đóng góp của nhóm ngành công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến chế tạo và của khu vực tư nhân bình quân cao hơn giai đoạn 2015 - 2020; một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; hình thành một số doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí ghi nhận, ngành cơ khí đã hình thành được 3 ngành hàng mới là đóng tàu biển, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn (thủy công, cầu trục, tháp, bồn, bể…) và lắp ráp ô tô.

Tuy nhiên, ông Thụ cũng chỉ ra rằng, điểm yếu lớn nhất của ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam thường làm trọn gói tất cả các công đoạn, nên đầu tư bị dàn trải, hiệu quả thấp, sản phẩm rất khó có khả năng cạnh tranh. Cùng với đó, thiếu vốn luôn là điệp khúc lại gắn với công nghệ cũ, lạc hậu, quy hoạch bị chia tách, cát cứ theo chỉ đạo của các cấp liên quan nên ngành cơ khí thiếu sự hợp tác giữa các doanh nghiệp.

“Các sản phẩm cơ khí cũng như các nhà máy cơ khí trong suốt 15 năm vừa qua được đầu tư quá ít. Vấn đề là Nhà nước phải nghĩ đến việc xây dựng quy hoạch, có kế hoạch đầu tư để cho ngành công nghiệp cơ khí có thể khai thác và tự cung cấp được các sản phẩm cho nước nhà”, ông Thụ nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Huy Sơn, giảng viên Khoa Động lực, Học viện Kỹ thuật quân sự cho rằng, với quy mô nhỏ lại quá ôm đồm, dẫn đến sự dàn trải nên doanh nghiệp cơ khí của Việt Nam không cho ra được những sản phẩm có tên tuổi, thương hiệu tầm khu vực từ đó rất khó tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng.

“Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp cơ khí trong giai đoạn cạnh tranh hiện nay rất khó tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này không hẳn là do khách quan, vì thực chất là do chính bản thân doanh nghiệp chưa đủ nội lực, lại phải gồng mình lên làm tất cả các bước, từ nghiên cứu, thiết kế, thị trường đến sản xuất”, ông Sơn chỉ rõ.

Nguyễn Việt


Bình luận facebook